Nền kinh tế Hoa Kỳ sau khi hồi phục - bắt đầu từ tháng 10/1930 cho đến tháng 7/1931 - đã tiếp tục rơi vào trạng thái suy thoái nặng nề hơn kể từ sau tháng 7/1931. Vào tháng 11/1931, nền kinh tế Hoa Kỳ chứng kiến hàng loạt các cuộc khủng hoảng ngân hàng diễn ra tại các khu vực quản lý khác nhau của các ngân hàng dự trữ liên bang Hoa Kỳ - chỉ số sản xuất công nghiệp đã quay đầu giảm liên tiếp trong nửa cuối của năm 1931 và tạo đáy vào tháng 7/1932. Trước đó, đã có quá nhiều các ngân hàng thương mại cho vay rất nhiều tiền phục vụ cho mục đích đầu cơ chứng khoán, và hệ quả là sau sự sụp đổ của thị trường cổ phiếu năm 1929, người dân Mỹ với tâm lý vô cùng hoảng loạn đã đổ xô đi rút tiền ngân hàng. Vào thời điểm đó, thật may mắn, các ngân hàng dự trữ liên bang đã có những động thái bơm tiền kịp thời để hộ trỡ thanh khoản đảm bảo cho hoạt động cho hệ thống ngân hàng Hoa Kỳ. Tuy nhiên tâm lý sợ mất tiền của người gửi tiền dường như vẫn còn hiện hữu rất rõ ràng cho đến những năm 1931-32. Tâm lý này kết hợp với một số lỗi nghiêm trọng trong quản lý thanh khoản của hệ thống ngân hàng thương mại Hoa Kỳ đã dẫn đến sự sụp đổ của gần 4000 ngân hàng thương mại vào năm 1933.
Sự sụp đổ của hệ thống ngân hàng thương mại vùng bắt đầu từ miền Nam Hoa Kỳ. Tập đoàn đa ngành Caldwell and Company đã sụp đổ kéo theo một loạt những ngân hàng thuộc sự kiểm soát của tập đoàn mẹ sụp đổ. Nguyên nhân chính dẫn đến sự sụp đổ của tập đoàn đến từ việc lãnh đạo công ty đầu tư quá nhiều vào cổ phiếu dẫn đến việc họ đã tạo ra một khoản lỗ khổng lồ sau khi thị trường chứng khoán sụp đổ vào năm 1929. Để bù lỗ, công ty mẹ đã phải lấy tiền từ những công ty thuộc diện kiểm soát của tập đoàn. Đây là một trong những nguyên nhân dẫn đến một loạt những ngân hàng thuộc diện kiểm soát của Caldwell and Company như Bank of Tennessee, một số ngân hàng liên doanh ở Knoxville và Louisville (diễn ra vào tháng 11/1930) phải đóng cửa vì thiếu hụt dự trữ tiền mặt trước đợt rút tiền ồ ạt. Sự sụp đổ của các định chế tài chính này đã tạo ra một hiệu ứng domino khi dẫn đến làn sóng rút tiền ồ ạt tại các ngân hàng nằm ở các thị trấn phía Nam Hoa Kỳ. Chỉ trong vài tuần đẫ có hàng trăm ngân hàng đã bị đình chỉ hoạt động. Chỉ khi đến đầu tháng 12/1930 cuộc hoảng loạn mới trở nên bớt căng thẳng.
Bên cạnh sự sụp đổ của hàng trăm ngân hàng ở phía Nam Hoa Kỳ (khu vực 6), người dân Mỹ tiếp tục có những động thái rút tiền ồ ạt tại khu vực 2 (New York) sau sự sụp đổ của ngân hàng lớn thứ tư thành phố New York, Bank of United States - sụp đồ vào ngày 11/12/1930. Bên cạnh đó, khu vực 8 (St.Louis) và khu vực 7 (Chicago) cũng bị ảnh hưởng từ động thái rút tiền ồ ạt của người dân. Sự sụp đổ của hàng loạt các ngân hàng thương mại đã trực tiếp đẩy nền kinh tế Mỹ vào trạng thải sụt giảm sâu hơn trong hoạt động kinh tế.
Sự sụp đổ của hệ thống ngân hàng thương mại Mỹ theo vùng đã khiến cho việc cung cấp tín dụng cho các doanh nghiệp bị gián đoạn. Bên cạnh đó, các ngân hàng cũng phải tạm hoãn việc cung cấp tín dụng để bổ sung nguồn vốn dự trữ an toàn trong bối cảnh người dân tiếp tục gom tiền khi hệ thống ngân hàng vùng sụp đổ. Việc người dân rút tiền ồ ạt công với việc các ngân hàng còn lại trong hệ thống tập trung tích lũy nguồn vốn dữ trự an toàn cũng đồng nghĩa với việc lượng tiền cung cấp ra nền kinh tế bị thu hẹp một cách đáng kể khiến cho các hoạt động chi tiêu sụt giảm dẫn đến giá hàng hóa dịch vụ giảm trầm trọng.
Cho vay tiêu dùng sụt giảm trong bối cảnh cho vay của hệ thống ngân hàng bị đóng băng sẽ có ảnh hưởng nặng nề đến biên lợi nhuận của doanh nghiệp - nhu cầu tiêu dùng sụt giảm, doanh thu sụt giảm, chi phí đầu vào có thể không đổi tất cả đều dẫn đến doanh nghiệp thu hẹp sản xuất và sa thải một lượng lớn công nhân kéo tỉ lệ thất nghiệp lên một mức tương đối cao. Tỉ lệ thất nghiệp Mỹ vào giai đoạn 30-31 lần lượt ở các mức 8.7% và 15.9% khi chỉ số giá tiêu dùng Mỹ lần lượt giảm 6.4% YoY và 9.3% YoY trong khoảng thời gian này.
Chỉ sau năm 1933, hệ thống ngân hàng thương mại Hoa Kỳ mới bắt đầu trở lại hoạt động bình thường sau hàng loạt những cải cách pháp lý như Reconstruction Finance Corporation Act (1932), Glass-Stegall Act (1932), 1933 Glass-Stegall Act (1933), Emergency Banking Act (1933), Emergency Lending to Nonbank Borrower Act (1932). Kết thúc năm 1933, nước Mỹ đã chính thức thoát ra khủng hoảng giảm phát khi hệ thống ngân hàng hoạt động bình thường trở lại. CPI Mỹ đã trở về vùng lãnh thổ dương sau năm 1933.
Comments
Post a Comment