CẬP NHẬT: TÌNH HÌNH KINH TẾ VĨ MÔ THẾ GIỚI VÀ CHUYỂN ĐỘNG THỊ TRƯỜNG TOÀN CẦU - THÁNG 2 & THÁNG 3 - 2023.

I. Tình hình kinh tế vĩ mô - Việt Nam
VĨ MÔ THÁNG 2: 
Lạm phát Việt Nam hạ nhiệt trong tháng 2/2023. Lạm phát Việt Nam đã cho thấy dấu hiệu hạ nhiệt trong tháng 2/2023. Cụ thể, rổ chỉ số giá tiêu dùng ghi nhận tăng 4.31% YoY trong tháng 2/2023 - tương đương thấp hơn 0.57 điểm phần trăm so với mức tăng giá ghi nhận trong tháng 1/2023.  Trong tháng 2/2023, hầu hết các rổ chỉ số thành phần đều ghi nhận mức tăng yếu hơn so với tháng 1 ngoại trừ trường hợp của rổ hàng hóa nhà ở và vật liệu xây dựng tăng 7.8% svck, tương đương tăng 0.95 điểm phần trăm so với tháng 1. Rổ chỉ số giáo dục mặc dù đã tăng chậm lại tuy nhiên sẽ vẫn là nhân tố cản trở việc hạ nhiệt của nền kinh tế Việt Nam trong thời gian tới do vẫn đang được neo ở mức cao trong thời điểm tháng 2 - cụ thể, tăng 10.4% YoY.

Sản xuất công nghiệp ghi nhận phục hồi nhẹ. Chỉ số sản xuất công nghiệp ghi nhận tăng nhẹ 3.6% YoY trong tháng 2/2023. Trong đó, công nghiệp khai thác ghi nhận tăng 7.0% YoY; công nghiệp chế biến và sản xuất ghi nhận tăng 3.3% YoY; sản xuất và phân phối điện nước ghi nhận tăng 2.8%; công nghiệp cung cấp và xử lý chất thải ghi nhận tăng 6% YoY. Các ngành công nghiệp hỗ trợ cho mức tăng chung của rổ chỉ số trong tháng 2/2023 chủ yếu tập trung vào nhóm ngành sản xuất và chế biến. Một số ngành công nghiệp ghi nhận phục hồi mạnh mẽ phải kể đến như ngành sản xuất đồ uống (+52.3% YoY), sản xuất than và các sản phẩm tinh chế từ dầu mỏ (+37% YoY), sản xuất thuốc (+30.3% YoY), công nghiệp in ấn (23.1% YoY), chế biến gỗ và sản xuất (+21.2% YoY), sản xuất cao su (+21.3% YoY).

PMI ghi nhận phục hồi theo mức phục hồi của chỉ số sản xuất công nghiệp. PMI sản xuất Việt Nam tiếp tục phục hồi lên mức 51.2 trong tháng 2/2023 sau khi giảm liên tiếp 3 tháng cuối năm 2022. Điều này phản ánh nền sản xuất của Việt Nam đang tiếp tục được cải thiện.

Doanh số bán lẻ có dấu hiệu suy yếu trong tháng 2/2023 so với tháng trước. Tổng doanh số bản lẻ hàng hóa và dịch vụ trong tháng 2/2023 đạt 481,832 tỷ đồng, tương đương tăng 13% YoY. Trong đó, khu vực bán lẻ hàng hóa và dịch vụ tăng 10% YoY; dịch vụ lưu trú và ăn uống tăng 27% YoY; du lịch và lữ hành ghi nhận tăng 95% YoY; các hàng hóa và dịch vụ khác ghi nhận tăng mạnh 19% YoY. Trên cơ sở tháng, tổng doanh số bán lẻ và dịch vụ ghi nhận giảm 12% so với tháng 1/2023. Trong đó doanh số bán lẻ hàng hóa và dịch vụ giảm 13% MoM; lưu trú và dịch vụ ăn uống giảm 4% MoM; du lịch lữ hành giảm 5% MoM. 

Lượng doanh nghiệp đăng ký mở mới tiếp tục sụt giảm kể từ tháng 4/2022. Trong tháng 2/2023, lượng doanh nghiệp mở mới đạt 8841 nghìn doanh nghiệp, tương đương tăng 21.4% YoY. Tuy nhiên, xét trên cở tháng, lượng doanh nghiệp đăng ký mới giảm -18.5% MoM. Dữ liệu cho thấy, lượng doanh nghiệp đăng ký mới chưa có dấu hiệu hồi phục khi liên tiếp giảm kể từ tháng 4/2022 (lượng doanh nghiệp mở mới trong tháng 4 đạt 15,001 nghìn doanh nghiệp) , điều này phản ánh những nét bi quan rõ rệt trong tâm lý của người kinh doanh đối với tình hình vĩ mô của Việt Nam trong thời điểm hiện tại

Bức tranh FDI tươi sáng hơn trong giai đoạn đầu năm 2023, nhưng không tích cực hoàn toàn. Trong năm 2022, dữ liệu cho thấy nhà đầu tư vẫn khá lưỡng lự trong việc ra quyết định đầu tư vào thị trường Việt Nam. Bằng chứng là, trong năm 2022, lượng vốn FDI đăng ký mới đã giảm liên tiếp trong 12 tháng trên cở sở lũy kế. Trong hai tháng đầu năm 2023, lượng vốn FDI đăng ký mới lần lượt ghi nhận tăng mạnh 211% và 179% trên cở lũy kế từ mức nền thấp của năm 2022. Bên cạnh đó số lượng dự án FDI mới cũng tăng tương đối ấn tượng trong hai tháng đầu năm. Cụ thể, tăng lần lượt 49% và 43% trên cơ sở lũy kế. Trên góc độ vốn FDI thực hiện, Việt Nam ghi nhận con số không mấy tích cực. Cụ thể, lần lượt giảm 16% và 5% trên cơ sở lũy kế.

Đầu tư công đạt 56,926 tỷ đồng, tương đương tăng 18.3% YoY và đạt 8.3% kế hoạch năm.

Xuất khẩu Việt Nam ghi nhận hồi phục nhẹ trong tháng 2/2023. Trong tháng 2/2023, xuất khẩu Việt Nam đạt 25.8 tỷ đô, tương đương tăng 11% YoY và 3.18% MoM. Trên cơ sở lũy kế, xuất khẩu tháng 2/2023 đạt 49.4 tỷ đô, tương đương giảm 10.4% YoY. Nhìn chung, xuất khẩu tháng 2/2023 đã có sự hồi phục nhẹ so với tháng 1. Tuy nhiên, trị giá xuất khẩu tháng 2/2023 vẫn thấp hơn trung bình 12 tháng 2022 - cụ thể, trị giá xuất khẩu trung bình 12T/2022 đạt 30.89 tỷ đô so với 25.8 tỷ đô của tháng 2/2023. Các ngành có tính chất xuất khẩu trong tháng 2/2023 nhìn chung vẫn đang diễn biến tiêu cực ngoại trừ trường hợp của ngành sản xuất gạo, dệt may và sắt thép. 

Một số ngành xuất khẩu được theo dõi: Thủy sản (-13.1% YoY), Gạo (+3.9% YoY), Clanke và xi măng (-12.7% YoY), Cao su (+16.6% YoY), Gỗ và sản phẩm gỗ (-10.9% YoY), Dệt may (+12.2% YoY), Thép (+1.9% YoY).

VĨ MÔ THÁNG 3:
Lạm phát tiếp tục hạ nhiệt trong tháng 3/2023. CPI Việt Nam ghi nhận tăng 3.95% YoY trong tháng 3/2023. Đây là mức tăng thấp hơn so với mức tăng giá của tháng 1/2023 (+4.89% YoY) và tháng 2/2023 (+4.31% YoY). Các rổ chỉ số giá tiêu dùng thành phần nhìn chung đang tiếp tục hạ nhiệt, trong đó rổ chỉ số giáo dục ghi nhận tăng 8.41% YoY - thấp hơn mức tăng 10.4% trong tháng 2/2023. Bên cạnh đó, rổ chỉ số giá nhà đất và vật liệu xây dựng - rổ chỉ số với mức tăng tương đối mạnh - cũng đã cho thấy dấu hiệu hạ nhiệt trong tháng 3/2023. Cụ thể, ghi nhận tăng 6.68% YoY (so với mức tăng 7.88% YoY trong tháng 2/2023). Tín hiệu lạm phát tiếp tục hạ nhiệt trong tháng 3/2023 là một tín hiệu tích cực đối với nền kinh tế khi đây là cơ sở để SBV thực hiện nới lỏng chính sách tiền tệ trong giai đoạn sắp tới.

Chỉ số sản xuất công nghiệp chưa cho thấy dấu hiệu hồi phục kể từ tháng 8/2022. Trong tháng 3/2023, chỉ số sản xuất công nghiệp ghi nhận giảm nhẹ 1.6% YoY, sau khi ghi nhận phục hồi 3.6% YoY trong tháng 2/2023 - trong đó, công nghiệp khai thác giảm 7.8% YoY; công nghiệp sản xuất và chế biến giảm -1.7%; sản xuất phân phối điện nước khí gas tăng 1.8% YoY; cung cấp nước và xử lý chất thải ghi nhận tăng 18.2% YoY. Nhìn khái quát, chỉ số sản xuất công nghiệp của Việt Nam vẫn chưa cho thấy có tín hiệu phục hồi khi vẫn tiếp diễn xu hướng giảm kể từ tháng 8/2022 (IIP tháng 8 ghi nhận tăng 15.57% YoY).

Bán lẻ hồi phục trong tháng tháng 3/2023 đạt 503,310 tỷ đồng, tương đương tăng 13.4% YoY và 4% MoM.

Lượng doanh nghiệp đăng ký mở mới đạt 14,221 doanh nghiệp trong tháng 3/2023, tương đương giảm 0.6% YoY. Trên cở sở lũy kế 3T/2023, lượng doanh nghiệp đăng ký mở mới đạt 33905 doanh nghiệp, tương đương giảm 2% 

Diễn biến bức tranh FDI tiêu cực hơn trong tháng 3/2023. Lượng vốn FDI đăng ký mới trong 3T/2023 đạt 3.02 tỷ đô, tương đương giảm 6% so với cùng kỳ. Bên cạnh đó, lượng vốn FDI thực hiện trong 3T/2023 cũng ghi nhận giảm 2% trên cơ sở lũy kế.

Đầu tư công đạt 91,538 tỷ đồng, tương đương tăng 18.09% YoY và đạt 13.39% kế hoạch năm

Tác động của tăng trưởng chậm lại của kinh tế toàn cầu bắt đầu thẩm thấu rõ rệt hơn vào nền kinh tế Việt Nam. Trong tháng 3/2023, Việt Nam mặc dù tiếp tục ghi nhận xuất siêu lần lượt đạt 0.65 tỷ đô (cơ sở tháng) và 4.07 tỷ đô (3T/2023), tuy nhiên tăng trưởng xuất khẩu Việt Nam tiếp ghi nhận giảm mạnh lần lượt 14.8% YoY và 11.02% (3T/2023) do ảnh hưởng nặng nề hơn từ suy thoái kinh tế thế giới toàn cầu. Các ngành có tính chất xuất khẩu trong phạm vi theo dõi vẫn đang diễn biến tiêu cực ngoại trừ trường hợp của xuất khẩu gạo

Một số ngành xuất khẩu được theo dõi - số liệu tháng 3/2023: Thủy sản (-29.0% YoY), Gạo (+82.3% YoY), Clanke và xi măng (-3.6% YoY), Cao su (-9.2% YoY), Gỗ và sản phẩm gỗ (-22.8% YoY), Dệt may (-13.2% YoY), Sắt thép (-33.6% YoY)

CÂU CHUYỆN CHÍNH SÁCH TIỀN TỆ CỦA VIỆT NAM - ĐÃ CÓ NHỮNG ĐỘNG THÁI NỚI LỎNG, TUY NHIÊN MỨC ĐỘ NỚI LỎNG PHỤ THUỘC CÒN PHỤ THUỘC VÀO FED VÀ DIỄN BIẾN KINH TẾ NỘI ĐỊA.
Ngân hàng nhà nước đã bắt đầu có những động thái nới lỏng chính sách tiền tệ đầu tiên kể từ ngày 15/3/2023 khi lãi suất tái chiết khấu giảm xuống mức 3.5% từ mức 4% theo quyết định số 313/QĐ-NHNN. Bên cạnh đó, lãi suất cho vay qua đêm trên thị trường liên ngân hàng và cho vay bù đắp thiếu hụt trong thanh toán bù trừ cũng đã được giảm xuống còn 6% từ mức giảm 7%. Tuy nhiên, cũng theo quyết định này, mức lãi suất tái cấp vốn vẫn được giữ nguyên tại mức 6%. Về phía ngân hàng thương mại, lãi suất trần cho vay ngắn hạn cũng đã giảm xuống 5% từ mức 5.5% theo quyết định 314/QĐ-NHNN. Động thái điều chỉnh giảm hàng loạt các mức lãi suất của ngân hàng nhà nước đã kéo theo hàng loạt các mức lãi suất khác trên thị trường tài chính giảm. Cụ thể:
  • Lãi suất huy động của phần lớn các ngân hàng thương mại đã đồng loạt giảm xuống dưới mức 9% cho các kỳ hạn trên 6 tháng sau động thái điều chỉnh của SBV vào giữa tháng 3/2023 ngoại trừ trường hợp của SCB (lãi suất huy động kỳ hạn 12 tháng duy trì ở mức 9%) và ABBank (lãi suất huy động kỳ hạn trên trên 18 tháng duy trì ở mức 9%). 
  • Về phía lãi suất liên ngân hàng, lãi suất kỳ hạn 3 tháng tiếp tục cho thấy cho thấy xu hướng giảm kể từ đầu năm 2023 - cụ thể, lãi suất liên ngân hàng kỳ hạn 3 tháng đã giảm xuống dưới mức 7% vào thời điểm cuối tháng 3/2023.
  • Về lợi suất trái phiếu chính phủ, lãi suất trái phiếu chính phủ các kỳ hạn 3-năm; 5-năm và 10-năm tiếp tục cho hạ nhiệt kể từ cuối năm 2022. Cụ thể, trong tháng 3/2023, lợi suất TPCP các kỳ hạn 3; 5 và 10 năm lần lượt giảm xuống các mức 3.17%; 3.17% và 3.46% từ các mức 4.91%; 4.93% và 5.04% tại thời điểm cuối năm 2022.
Cuối tháng 3/2023, SBV đã tiếp tục có những động thái điều chỉnh hạ lãi suất. Trong đó, theo quyết định 574/QĐ-NHNN:
  • Lãi suất tái cấp vốn giảm xuống mức 5.5% từ mức 6% trước đó
  • Lãi suất tái chiết khấu giữ nguyên ở mức 3.5%
  • Lãi suất cho vay qua đêm trong thanh toán điện tử liên ngân hàng và bù đắp thiếu hụt giữ nguyên tại mức 6%.
Bên cạnh đó, các loại lãi suất khác gồm lãi suất tối đa đối với tiền gửi; lãi suất cho vay ngắn hạn tối đa; lãi suất tiền gửi kho bạc nhà nước; lãi suất tiến gửi tại tổ chức tài chính vi mô tại NHNN cũng đồng loạt được điều chỉnh giảm theo các mức lãi suất điều hành chính. Động thái hạ lãi suất điều hành lần thứ hai liên tiếp trong tháng 3/2023, nhìn chung, được đặt trong bối cảnh hợp lý khi:

(1) FED nhiều khả năng sẽ giữ nguyên mức lãi suất cận trên ở mức 5% cho đến giữa năm 2023 và sau đó sẽ bắt đầu hạ dần lãi suất trong nửa cuối của năm 2023 theo dự báo của CME Group.

(2) Áp lực tỷ giá lên đồng Việt Nam tiếp tục hạ nhiệt trong 3 tháng đầu năm 2023

(3) Lạm phát nội địa tiếp tục hạ nhiệt trong tháng 3/2023 và vẫn đang được kiểm soát tốt với mức lạm phát trung bình 3 tháng đạt 4.18% - thấp hơn mức mục tiêu 4.5%. 

II. Tình hình kinh tế vĩ mô - Mỹ và Châu Âu







































































Comments